(Baodautu) - Sự thăng trầm của sản phẩm dừa đã làm cho thu nhập của gần 200.000 hộ dân trồng dừa ở Bến Tre-một tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước rất bấp bênh. Tìm giải pháp liên kết, hợp tác nhằm phát triển ngành dừa bền vững là chủ đề một cuộc hội thảo trong khuôn khổ Lễ hội dừa 2015 tại Bến Tre.
Chưa bền vững
Cây dừa phân bố rộng từ vĩ độ 20 Bắc xuống vĩ độ 20 Nam, được trồng tại 93 quốc gia. Việt Nam có khoảng 150.000 ha dừa.

Việc trồng dừa công nghiệp và chế biến sâu các sản phẩm đem lại lợi tức cao hơn nhiều so với xuất khẩu dừa trái
Tại Bến Tre, sau ngày Miền nam hoàn toàn giải phóng, diện tích trồng dừa bị bom đạn tàn phá chỉ còn khoảng 16.000 ha. Sau thời gian được cải tạo, trồng mới, hiện nay diện tích trồng dừa của địa phương đã tăng lên 67.000 ha. Cơ cấu giống dừa đa dạng, trong đó có 80% là giống dừa chế biến công nghiệp như: dừa ta, dừa dâu, còn lại là dừa uống nước như: Xiêm xanh, Xiêm lục, dừa dứa...
Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết: từ năm 2001 trở về trước, người trồng dừa chỉ thu nhập từ bán dừa khô để làm thực phẩm, dừa tươi uống nước, sản phẩm dừa chế biến công nghiệp chủ yếu chỉ có kẹo dừa. Giá dừa trái chỉ ở mức 500-700 đồng/trái.
Năm 2005, khi có 16 nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy ra đời cùng với hàng loạt nhà máy chế biến các sản phẩm như than gáo dừa, thạch dừa, chỉ xơ dừa... thì giá dừa trái đã tăng lên gắp 3 lần. Năm 2011, giá dừa lập mức kỷ lục 11.900 đồng/trái.
Tuy nhiên, từ năm 2001 đến nay, giá dừa trồi sụt thất thường, thu nhập của người trồng dừa không ổn định. Công nghiệp chế biến dừa phát triển thiếu bền vững, chưa khép kín chuỗi giá trị ngành dừa.
Phân phối lợi nhuận hợp lý
Theo ông Trần Tiến Khai, Khoa Kinh tế (ĐH Kinh tế TP.HCM), thời gian qua, tiêu thụ sản phẩm dừa lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên những lúc họ ngưng mua hàng thì giá dừa rớt thảm hại, gây thiệt hại lớn cho người trồng dừa. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến chuyên sâu cho các sản phẩm từ cây dừa còn hạn chế.
Theo nghiên cứu, việc trồng dừa công nghiệp và chế biến sâu các sản phẩm đem lại lợi tức cao hơn nhiều so với xuất khẩu dừa trái nguyên liệu và sản phẩm chế biến thô. Xuất khẩu dừa trái lột vỏ chỉ mang lại 487 USD/1.000 trái; tuy nhiên, nếu được chế biến sâu hơn thành các sản phẩm như cơm dừa nạo sấy, than gáo dừa, than hoạt tính, xơ dừa, mụn dừa và thạch thô thì giá trị gia tăng gấp đôi ba lần.
Ông Cao Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, thời gian qua, mối liên kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ dừa chưa được thực hiện chặt chẽ, lợi nhuận của người sản xuất và doanh nghiệp có khi tỷ lệ nghịch với nhau.
Điển hình như năm 2013, khi giá dừa xuống rất thấp, nông dân thua lỗ, nhiều hộ đốn bỏ dừa để trồng cây khác thì doanh nghiệp thu mua dừa lại lãi rất to, vì sau khi gom hết dừa trong dân thì giá dừa tăng. Do vậy, trong thời gian tới, việc liên kết tiêu thụ dừa phải được làm một cách bài bản hơn nhằm chia sẻ lợi nhuận hợp lý cho các bên tham gia chuỗi giá trị ngành dừa.
"Sự liên kết này phải có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý để bên nào sai thì sẽ chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Có như thế, người trồng dừa mới yên tâm", ông Trọng nói.